Tự học Flutter 2023

New Flutter cơ bản

Các cách kiếm tiền từ ứng dụng Flutter

Có rất nhiều cách để các bạn có thể kiếm được tiền từ ứng dụng của mình. Một số cách phổ biến có thể kể đến bao gồm: bán app trên store (paid app), bán các vật phẩm trong ứng dụng (iap), mô hình cho thuê bao (subscription), phân phối quảng cáo,.. Trong bài viết này mình sẽ cho các bạn một cái nhìn tổng quát về các hình thức mà các bạn có thể kiếm được tiền từ ứng dụng của mình.

Quảng cáo trong ứng dụng

Đặt quảng cáo trong ứng dụng có vẻ là cách mà đại đa số người sẽ thực hiện đầu tiên với ứng dụng của mình. Nguyên lý làm việc của hình thức này khá là đơn giản như sau: Bạn có người dùng (người dùng app của bạn đó), các mạng quảng cáo thì có quảng cáo muốn giới thiệu tới những người dùng này, hai bên bắt tay vào hợp tác.

Các mạng quảng cáo thì nhiều, thường nghe đến như là Google (admob), Facebook (fan), Appodeal,Applovin,... Nói cho đơn giản, tụi này cũng chỉ là các công ty, chuyên nhận quảng cáo sản phẩm cho người khác. Tưởng tượng như thế này: ông A vừa mở quán bán chân gà sả tắc, quán ế quá vì ở trong hẻm không có khách biết mà đến ăn. A tìm tới một công ty quảng cáo, ví dụ là đại lý nào đó chuyên chạy quảng cáo Google ads đi. Tại đây A bỏ tiền ra thuê đại lý này quảng cáo quán chân gà của mình tới số lượng mong muốn là 1.000 người (đối tượng là sinh viên, học sinh trên địa bàn quán), với giá trọn gói là 1 triệu đồng.

Để làm rõ chút: Cùng là anh Google nhưng, ai muốn thuê ảnh chạy quảng cáo thì tìm tới Google Ads, nhưng ai muốn làm đối tác với ảnh để phân phối quảng cáo để kiếm tiền thì tìm tới Google Admob (cho mảng app, trên web thì là Google Adsense).

Sau khi nhận quảng cáo từ ông A, thì Google nó sẽ phải tìm nơi để đặt quảng cáo (ví dụ như banner) để quảng bá cái quán chân gà của ông A. Lúc này nó sẽ tìm tới bạn (trên thực tế thì bạn tìm tới nó - tuy lý thuyết là nó cần bạn - nhưng thực tế là bạn cần nó hơn). Bạn có một ứng dụng nào đó trên store dành cho học sinh, sinh viên (đối tượng này đáp ứng yêu cầu của A). Sau khi bạn tích hợp SDK quảng cáo của Google Admob vào, nó sẽ phân phối quảng cáo cái quán chân gà kia xuống để bạn sẽ hiển thị cho người dùng của mình và bạn sẽ được trả tiền theo lượt hiển thị quảng cáo / lượt click vào quảng cáo. số tiền bạn nhận chắc chắn sẽ thấp hơn số tiền ông A bỏ ra để thuê. Google đứng giữa ăn phần chênh rồi. Hai bên đều có ăn, ông A thì có khách, khách tới ăn rồi thì ông A kiếm ăn lại sau.

Các mạng quảng cáo khác nó cũng tương tự vậy thôi. Khi đi sâu vào series về Admob chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn. Còn hiện tại, đơn giản là vậy, bạn đặt quảng cáo của bên nào đó (mạng quảng cáo nào đó) vào trong ứng dụng, người dùng của bạn xem và click thì bạn có tiền.

Kiếm được bao nhiêu tiền? nếu bạn hỏi cái này thì hơi khó =)). Kiếm được bao nhiêu phụ thuộc vào nhiều yếu tố: người dùng ứng dụng của bạn là ai? quảng cáo bạn đang phân phối có giá trị cao không?... Ví dụ đối tượng người dùng của bạn là học sinh sinh viên, đa số ít tiền, quảng cáo tới đối tượng này không thể là những quảng cáo bán kim cương, xe hơi... nên bạn thử nghĩ xem, giá trị mỗi quảng cáo bạn phân phối trị giá có cao không? Hoặc như ví dụ ông A lúc nãy, nếu ổng tăng giá quảng cáo lên gấp đôi thì bạn cũng có khả năng nhận được gấp đôi, nói cách khác là nó phụ thuộc vào giá trị của quảng cáo nữa. Chúng ta sẽ nói kỹ hơn những vấn đề này vào một lúc khác.

Bán ứng dụng trên store

Tiếp theo, bán ứng dụng của bạn trên store (Play store, Appstore,...). Đây cũng là một lựa chọn. Nhưng cá nhân mình thì cho rằng bạn không nên bắt đầu với nó. Vì sao? Hình thức paid app này yêu cầu người dùng thanh toán tiền rồi mới được tải app về xài. Bạn thử đặt mình vào vị trí người dùng xem, bạn có thanh toán không? Trừ khi bạn đã có uy tín, người ta đã biết tới bạn nhiều rồi, họ biết rõ sản phẩm đó sẽ phù hợp với họ thì họ mới mua trước xài sau. Còn đa số người dùng bình thường, cứ phải là xài thử đã mới mua sau.

Bán vật phẩm trong ứng dụng (IAP)

Đây là phương án mà mình nghĩ là tối ưu nhất. Bạn có thể cho người dùng sử dụng ứng dụng miễn phí, tạo ra các vấn đề và sau đó bán giải pháp. Ví dụ: ứng dụng xài miễn phí sẽ có quảng cáo, bạn sẽ bán giải pháp "tắt quảng cáo" - người dùng có thể mua cái này để loại bỏ quảng cáo nếu họ muốn. Một ví dụ khác điển hình dễ thấy đó là các vật phẩm trong game, bạn có thể tạo ra các item như vậy để bán.

Với giải pháp này, người dùng có mua hay không mua bạn vẫn có cách để kiếm thu nhập (ví dụ như quảng cáo). Mà người dùng thì có thể trải nghiệm sản phẩm trước khi ra quyết định.

Cho thuê bao (Subscription)

Subscription là hình thức mà người dùng phải trả tiền định kỳ (hằng tháng, hằng quý, hằng năm,...) để được tiếp tục sử dụng ứng dụng của bạn. Ví dụ như Youtube chẳng hạn, bạn có thể xài youtube miễn phí nhưng có quảng cáo, bị giới hạn một số chức năng. Để giải quyết bạn có thể mua Youtube Premium. Youtube Premium là dạng subscription, bạn không thể trả tiền 1 lần và xài mãi mãi, mà phải trả tiền định kỳ.

Hình thức này rõ ràng là rất hấp dẫn đúng không? bạn có 1000 người dùng, mỗi người hằng tháng phải trả bạn 1$ vậy là có 1000$ mỗi thảng rồi. Nghe thơm nhỉ? nhưng thử nhìn lại bạn xem,bạn có đang trả tiền hằng tháng cho bao nhiêu dịch vụ? Rõ ràng là app của bạn phải đủ hấp dẫn thì người ta mới bỏ tiền ra.

Bán vật phẩm ngoài đời thực

...

Kêu gọi ủng hộ (Donation)

Một cách khác nữa để kiếm tiền trong ứng dụng của bạn đó là kêu gọi ủng hộ. Bạn có thể làm ứng dụng và cho người ta dùng thoải mái, không quảng cáo, không hạn chế... trong ứng dụng bạn đặt một nút "Ủng hộ". Người dùng có thể ủng hộ bạn một số tiền thông qua chức năng này.

Lưu ý là việc ủng hộ này cũng phải thông qua hệ thống thanh toán của Store (Play Store hoặc Appstore) và vẫn bị các stores này thu phí hoa hồng nhé. Nếu bạn tính lách luật bằng cách nào khác (ví dụ: gửi cho mình qua số tài khoản abc, ngân hàng xyz...) thì coi chừng kẻo bị xóa tài khoản dev.

Tiếp thị liên kết

Tiếp thị liên kết, nói nôm na là tiếp thị link, rõ hơn xíu nữa là bạn giới thiệu một cái link cho người dùng, link đó sẽ dẫn đến một sản phẩm hay dịch vụ nào đó, khi người dùng mua thì bạn sẽ nhận được hoa hồng.

Nghe thì có vẻ hơi giống vụ đặt quảng cáo đúng không? Thực ra thì khác nhiều á. Khi bạn đặt quảng cáo thì việc phân phối quảng cáo tới người dùng do bên Admob nó xử lý - nó có các thuật toán để nhận biết người dùng và đẩy quảng cáo thích hợp về. Còn với tiếp thị liên kết, bạn phải chủ động trong mọi chuyện. Ví dụ, app của bạn là app hướng dẫn thiền chẳng hạn, nhưng bạn đặt liên kết quảng cáo sản phẩm bia rượu, bài bạc, hút chích thì bạn nghĩ xem người dùng của bạn có click vào xem không? Không click xem thì không mua, không mua thì bạn không có hoa hồng. Nói vậy để bạn thấy là nếu muốn làm tiếp thị liên kết thì hãy đầu tư công sức vào.

Một số trang tiếp thị liên kết có tiếng tại Việt Nam có thể kể đến: Accesstrade, Masoffer, AdFlex, Lazada, Shopee,... Bạn có thể Google để tìm hiểu thêm.

Bán code

Uhm, bán code cũng là một ý tưởng tốt. Được giá thì ta bán thôi. Có một vấn đề cần cân nhắc trước khi code app để bán, đó là bán cho ai? Muốn bán được thì bạn phải xác định nhóm khách hàng tiềm năng của mình trước sau đó mới làm app cho phù hợp.

Ví dụ bạn xác định khách hàng của mình là các quán cafe nhỏ, vậy bạn có thể làm app quản lý quán cafe và tới chào mời. (Thị trường ngách của những app như thế này vẫn còn nhiều nhé, mặc kệ các ông lớn như sapo, kiotviet,...)

Hay nếu bạn xác định là bán app cho mấy ông dev khác kiểu code dởm, lười code... thì bạn có thể bán app template trên các trang chuyên bán source code.

Làm ăn bất chính

Làm nghề nào cũng vậy, cũng luôn có những cách để làm giàu nhanh một cách bất chính. Làm app cũng vậy thôi. Mình liệt kê ra để bạn nhận thức được các hình thức này chứ không khuyến khích nhé. Làm gì thì làm, sống có tâm thì trời không phụ.

Bán thông tin người dùng

Nếu ứng dụng của bạn có nhiều user + bạn thu thập thông tin của những user này (ví dụ là số điện thọai + nghề nghiệp đi cho dễ hình dung) thì nếu bạn tìm được người mua phù hợp, chắc chắn bạn sẽ bán được giá. Mấy công ty hoặc nhân viên bán bảo hiểm sẽ rất có hứng thú với việc mua tệp khách hàng thuộc nhóm có nghề nghiệp thu nhập cao. Bạn có tiền, user của bạn bị làm phiền.

Lừa đảo người dùng

Lừa đảo thì muôn hình vạn trạng, có thể đánh cắp thông tin cá nhân trên máy, lừa người dùng cài đặt để lấy mã OTP rồi ăn cắp tiền,... Con đường nào đi nữa rồi thì khám nhà tù cũng đợi bạn.

Làm app đen

Nói thẳng ra là mấy app bài bạc, cá độ, app sex, show hàng... Các loại này thì không được đưa lên store chính thống như Play Store hay Appstore. Nhiều người làm mấy app này rồi đưa lên chợ đen ứng dụng. Mấy ứng dụng này lại kiếm tiền bằng các cách như quảng cáo các sản phẩm lừa đảo (nhà tao ba đời, quảng cáo làm giàu nhanh,...), thu thập và bán thông tin người dùng, trộm cắp thông tin cá nhân,...